Gian lận thi cử tại Hà Giang

Họp báo vụ can thiệp điểm: Phó phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Hà Giang sửa điểm thi

07-17-2018

13h30 ngày 17/7, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Hà Giang đã tổ chức họp báo công bố chi tiết những sai phạm liên quan đến điểm thi tại Hà Giang.

Ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh này (bên phải) và ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, điều hành họp báo.

Buổi họp báo diễn ra trong 50 phút, với nhiều thông tin được đại diện Bộ GD&ĐT và tỉnh Hà Giang công bố, liên quan đến hàng trăm bài thi được sửa điểm; danh tính người sửa kết quả thi; trách nhiệm của các cá nhân liên quan và đường hướng xử lý... 

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thi (Bộ GD-ĐT). Ảnh. VTC.

 

Hàng trăm bài thi chênh lệch điểm so với ban đầu

Mở đầu họp báo, ông Mai Văn Trinh công bố nội dung quá trình tổ chức kiểm tra tại tỉnh Hà Giang.

Tiền Phong dẫn lời Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Giang, tổ công tác đã chỉ đạo rà soát toàn bộ các khâu của kỳ thi, cho thấy với môn thi tự luận (môn Văn) có điểm hoàn toàn chính xác, trùng khớp. 

Với các bài thi trắc nghiệm, qua xác minh thấy có sự nâng kết quả điểm thi của thí sinh.

Bằng các biện pháp nghiệm vụ cho thấy, dữ liệu quét ảnh các phiếu trả lời gốc của thí sinh được hoàn thiện trước ngày 3/7, hiện vẫn nguyên vẹn không bị sửa chữa, thay thế. 

Tuy nhiên, kết quả thi có một số thí sinh cao bất thường. Kết quả thẩm định cho thấy cơ bản kết quả thi của các thí sinh là không thay đổi.

Không ít bài có kết quả chấm thẩm định thấp hơn so với đã công bố. Ví dụ, có 102 bài Toán đã chênh lên từ 1 đến 8 điểm; có 85 bài Vật Lý chênh từ 1 đến 7,5 điểm; 56 bài Hóa chênh từ 1 đến 8,75 điểm (tức công bố là 9,5 nhưng điểm thẩm định là 4,75)…

Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với thẩm định. Cá biệt có thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm thậm chí 29,95 điểm. 

Qua thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng lên hơn so với điểm đã công bố từ 2 đến 1 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn giáo dục công dân có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với đã công bố

 

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chủ trì họp báo. Ảnh: VTC.

 

Cán bộ Sở GD&ĐT Hà Giang can thiệp vào kết quả thi

Cũng theo Tiền phong, qua xác minh ban đầu cho thấy, ông Vũ Trọng Lương - Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Trả lời về quy trình sử dụng máy tính để quét bài thi trắc nghiệm, Zing.vn dẫn lời đại diện Phòng PA83 (Công an tỉnh Hà Giang) cho biết, ông Vũ Trọng Lương được Sở GD&ĐT Hà Giang phân công sử dụng máy tính. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, có nhiều tin nhắn đến số điện thoại của ông Lương. 

Cán bộ này đã nhập số báo danh vào máy sau đó thực hiện hành vi sửa điểm. Quy trình bảo mật liên quan giám sát chưa chặt chẽ nên đã để ông Lương xử lý toàn bộ quá trình.

Ông Lương mất 6 giây để chỉnh sửa một trường hợp

Tờ VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4, A83 Bộ Công An, thành viên tổ công tác, thông tin quy trình quét bài thi trắc nghiệm hàng năm ông Vũ Trọng Lương trực tiếp phụ trách và ông này dùng chiếc máy tính quét.

Ông Lương đã down toàn bộ dữ liệu về máy, có nhiều số điện thoại gửi về và nhập điểm theo số điện thoại đó... 6 giây cho một trường hợp để chỉnh sửa điểm cho một thí sinh.

Quy trình thanh tra Bộ và Sở chưa chặt chẽ khi để ông Lương xử lý tất cả bài thi của thí sinh, trong khi thành viên ban giám sát ngồi ở đó. Những thành viên tham gia về cơ bản không nắm được thao tác, quy trình này nên để ông Lương qua mặt.

Ông Lương đã có thời gian từ 12h đến 14h38 ngày 27/6 chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng Khảo thí. Trong 2 tiếng này, ông đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án.

Hiện chưa phát hiện cá nhân nào phối hợp với ông Lương trong 2 tiếng đó. Trên máy tính của ông Lương vẫn có dữ liệu điểm thi năm 2017 và phục vụ điều tra của tổ công tác (ông Lương tự nguyện nộp máy tính cho tổ công tác). Sau khi có ý kiến từ Bộ trưởng Giáo dục, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm tiếp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhận trách nhiệm

Tờ Zing.vn dẫn lời ông Trần Đức Quý - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Hà Giang, nói nhận trách nhiệm về vụ việc. Ông nói có những cái không thể xử lý được, có những cái không có nghiệp vụ, yếu về chuyên môn, tạo khe hở.

Ông Trần Đức Quý,  Phó chủ tịch Hà Giang cho hay: "Tôi là trưởng ban thì phải chịu trách nhiệm của mình. Có những việc chúng tôi không lường trước được nhưng do yếu về chuyên môn nên tạo kẽ hở… 

Con của lãnh đạo thi có, trong một kỳ thi có nhiều đối tượng nhưng tôi nghĩ không lãnh đạo nào nói phải đưa con tôi vào một trường đại học cả. Sai ở đâu, thế nào tôi xin trả lời sau vì CQĐT vẫn tiếp tục làm việc - Tiền phong thông tin

Ông Mai Văn Trinh: Chưa đủ cơ sở, căn cứ để hủy bài thi

Theo ông Trinh, việc này sẽ được xem xét tiếp sau khi có kết quả điều tra của cơ quan Bộ Công an. 

Ông nói Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã gặp nhau, thống nhất quan điểm xử lý nghiêm. Chắc chắn việc điều tra chưa kết thúc nhưng đường hướng là tiếp tục cung cấp các chứng cứ sai phạm để xử lý.

Phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi có khởi tố vụ án liên quan vụ việc không? Ông Trinh cho biết, sai phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó, có thể khởi tố, đuổi việc…

'Sự việc ở Hà Giang xấu xí, nhưng không vì thế mà thay đổi kỳ thi THPT quốc gia'

Tờ VnExpress dẫn lời Ông Mai Văn Trinh thông tin, cả nước đã trải qua 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Từ 2017, Bộ bắt đầu tổ chức thi trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn, theo quy trình rất chặt chẽ, có sự phối hợp với các trường đại học. 

Năm 2018, Bộ có thêm những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo mật, chính xác như cần niêm phong túi bài thi bằng tem mỏng, có chữ ký của cán bộ coi thi, phó trưởng điểm thi. 

Tại Hà Giang, kiểm tra cũng không thấy có túi bài thi nào bị bóc trước.

Phương án thi đã nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém, tuyệt đại đa số đánh giá kỳ thi vô cùng nghiêm túc.

"Sự việc ở Hà Giang là một điều vô cùng xấu xí nhưng không vì điểm đen đó ta thay đổi kỳ thi được mọi người đánh giá nhẹ nhàng và ủng hộ. Tất nhiên những năm tiếp Bộ Giáo dục sẽ có những điều chỉnh để kỳ thi tốt hơn", ông Trinh nói.

"Đây là bài học xương máu cho Hà Giang"

Trên tờ VnExpress dẫn lời Phó chủ tịch Trần Văn Ông Quý, nói: khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi, ông rất vui vì điểm cao nhưng lo có thực chất hay không. "Khi biết sự thật tôi rất buồn. Dù vậy, chúng tôi đã trả lại được điểm thực chất cho thí sinh, đúng như kỳ vọng của nhân dân Hà Giang và cả nước. Đây là bài học xương máu cho giáo dục Hà Giang", ông nói.

Theo ông Quý, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục, Sở đang khắc phục những sai phạm. Hiện tại, Sở đã thay thế toàn bộ điểm chấm thẩm định cho điểm công bố ngày 11/7, không ảnh hưởng đến việc đăng ký thi xét tuyển của thí sinh vào ngày 19/7.

"Trách nhiệm của Hội đồng thi Hà Giang, Giám đốc Sở Giáo dục... khi làm rõ đến đâu, chúng tôi sẽ xử lý đến đấy, không che giấu. Nếu bố mẹ chạy điểm cho con, khi có kết quả chính xác thì sẽ có kết luận cuối cùng", ông nói.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang: Trách nhiệm đến đâu, chúng tôi sẽ chịu đến đó

Là người cuối cùng phát biểu trong cuộc họp báo, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang nói: "Chúng tôi có trách nhiệm lớn lao với mọi người dân Hà Giang. Ngay sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt, quyết tâm, làm thâu đêm suốt sáng trong thời gian ngắn để ra được kết luận cuối cùng. 

Chúng tôi cố gắng làm hết sức để đưa ra kết quả thực, tạo niềm tin cho thí sinh, phụ huynh. Khi làm rõ, trách nhiệm đến đâu, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đến đó". 

14h20: Buổi họp báo kết thúc.

 

114 thí sinh được nâng điểm ở mức... không tưởng

Kết quả chấm thẩm định cho thấy: Có 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Có 85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);

Có 56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm);

Có 8 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Có 9 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);

Có 3 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Có 52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);

Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Qua chấm thẩm định cũng cho thấy một số bài thi có điểm tăng hơn so với điểm đã công bố từ 0,2 đến 1,0 điểm. Cá biệt có 3 bài thi môn GDCD có điểm chấm thẩm định tăng hơn 5,75 điểm so với điểm đã công bố.

 

Nhiều dấu hiệu phạm tội nghiêm trọng

Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25.1.2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật.

Đặc biệt, các cán bộ có thể bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có các hành vi sai phạm sau đây: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; Làm lộ số phách bài thi; Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh…

Sau khi rà soát kết quả thi của các học sinh ở cụm thi Hà Giang, cơ quan chức năng đã xác định có sai phạm trong khâu chấm thi. Do đó, sai phạm này sẽ căn cứ vào Quy chế thi THPT quốc gia 2018 và các quy định của pháp luật để xử lý".

Thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) - Theo Lao động.

theo Thời đại

 

Thong ke

TIN TỨC LIÊN QUAN